<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Ông Đại Sứ và Ông Tổng Thống : Nhìn lại . . . .
Tác giả: Đinh Từ Thức

Ông Đại Sứ và Ông Tổng Thống :  Nhìn lại cuộc đảo chánh 1-11-1963 tại sàigòn 60 năm trước

Đinh Từ Thức

Nỗi bận tâm của cả Đại sứ cùng Tổng thống Mỹ và Việt :  Ong Chúa Nam Việt Nam.

Bà Ngô Đình Nhu trên bìa Tạp Chí TIME,  số phát hành ngày 9 tháng 8 năm 1963

          Nội dung số báo Time in hình bìa Bà Nhu có bài chính nói về nhân vật trong hình (cover story), với nhan đề lớn: Nam Việt Nam :  Ong Chúa (South Viet Nam: The Queen Bee)

          Bài báo dài 10 trang, mở đầu bằng nhận xét là lịch sử Việt Nam đầy nữ anh hùng. Những nữ tướng. Như Trưng Nữ Vương dấy binh chống Tàu ngay từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Rồi đến Bà Triệu, một phụ nữ 23 tuổi đã mang áo giáp vàng cưỡi voi chống xâm lăng từ phương Bắc vào năm 248.

          Từ lịch sử hàng ngàn năm, bài báo chuyển sang hiện tại: “Ngày nay, người phụ nữ kinh khủng nhất và can đảm nhất Nam Việt Nam mặc quần sa-tanh, vận áo dài xẻ từ hông xuống mắt cá chân, đi xe Mercedes có tài xế lái, tới gặp kẻ thù. Thay vì gươm, võ khí cuả bà là năng lượng vô tận, duyên dáng dễ sợ, cứng rắn, động não không ngừng, miệng lưỡi cay độc, một giáo dân hiếu chiến—và quan trọng nhất, quyền năng từ gia đình nhà chồng. Đó là Bà Ngô Đình Nhu, vợ của người em đồng thời là khối óc tin cẩn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thêm vào đó, bà còn đảm trách vai trò đệ nhất phu nhân vì tổng thống độc thân. Bà ấy là một trong vài người quyền lực nhất trong nước, và cũng là hiện thân của tất cả mọi rắc rối”.

          Vẫn theo bài báo, Bà Nhu khoe rằng, trong nhiều năm, Mỹ đã không thành công trong việc ép Diệm hạn chế quyền năng của bà. Bà cay đắng tấn công đám ký giả Mỹ chuyên chống Diệm hành nghề tại Sàigòn, và mỉa mai gọi họ là bọn “Ivanhoes Mỹ”, những người luôn bênh vực kẻ yếu, nhưng chẳng biết kẻ yếu thực sự là ai. Như trong vụ khủng hoảng tôn giáo nổ ra ở Huế, Phật Giáo không phải là kẻ yếu, mà chỉ là “những người khiêu khích mặc áo nhà sư”. Bà chống lại chủ trương nhân nhượng và hoà giải, và ngược lại, đối với những người biểu tình phản đối, nên “đánh họ mạnh gấp ba lần” (Beat them three times harder). Trong vụ Hoà Thượng Quảng Đức tự thiêu, Bà Nhu nói với phóng viên truyền hình CBS: Phật Giáo đã “nướng một trong những nhà sư của họ, người đã bị họ chuốc thuốc cho say. Và ngay cả việc đốt cũng không làm được với phương tiện của mình, vì họ đã phải dùng dầu nhập cảng”.

          Nếu Nam Việt Nam theo chế độ quân chủ, hay độc tài chuyên chế, những lời tuyên bố gây sốc của Bà Nhu là chuyện riêng của Việt Nam, nước ngoài không có quyền xía vô. Nhưng vào năm 1963, mỗi ngày Mỹ phải chi một triệu đô la, cùng với 16 ngàn “cố vấn” thường trực tại chỗ, để giúp Nam Việt Nam tồn tại. Tiền và người không từ trời rơi xuống, mà do dân Mỹ đóng góp. Những người cầm quyền ở Mỹ cũng từ dân mà ra. Họ cũng cần phải tồn tại, trước khi có thể giúp Nam Việt Nam tồn tại. Họ không thể tồn tại, nếu cử tri của họ nghĩ rằng họ đã phung phí tiền bạc và nhân lực Mỹ để ủng hộ những chế độ đáng dị nghị, hoăc đi ngược lại niềm tin của Mỹ ở nước ngoài. Nếu họ thất bại trong việc thực thi chính sách của Mỹ ở nước ngoài, làm sao họ có được tín nhiệm để có thể thành công ở trong nước. Chính vì thế, hình Bà Nhu trên báo TIME đã được Đại Sứ Lodge đem ra thảo luận với Tổng Thống Kennedy tại Bạch Ốc ngày 15 tháng 8, trước khi lên đường đi Sàigòn, và ông cũng nói thẳng với Tổng Thống Diệm về vụ này, trong cuộc gặp đầu tiên tại Dinh Gia Long, ngày 26 tháng 8, 1963.

          Ông Diệm bó tay trước Bà Nhu

          Đại Sứ Lodge đã sửa soạn cho chuyến đi Sàigòn rất chu đáo, định kéo dài trên một tuần. Nhưng mới tới Tokyo thì được điện tín từ Bạch Ốc, yêu cầu phải tới ngay Sàigòn, vì có chuyện quan trọng mới xảy ra ở đấy. Đó là vụ tấn công một số Chùa vào đêm 20 rạng 21 tháng 8. Ông Lodge đi ngay, tới Sàigòn đêm 21 rạng 22 tháng 8.

          Được lệnh tới Sàigòn gấp để gặp Tổng Thống Diệm sớm nhất có thể, nhưng Đại Sứ Lodge cố trì hoãn. Mãi bốn ngày sau mới trình uỷ nhiệm thư tại Dinh Gia Long, vào chiều 26 tháng 8. Sau cuộc gặp, ông Lodge gửi điện văn tường trình về Bộ Ngoại Giao. Sau đây là bản dịch từ nguyên văn điện văn này đã được giải mật.

* * * * * * *

          Điện văn 340 từ Sàigòn, ngày 26 tháng 8, 1963

          Gửi Bộ Ngoại Giao, Washington

          Đại Sứ Lodge tường trình về cuộc gặp riêng Tổng Thống Diệm từ 5 tới 7:10 PM.

          Ông [Diệm] mở đầu bằng lời bầy tỏ sự biết ơn đặc biệt đối với Tổng Thống Kennedy vể văn thư riêng đã giới thiệu tôi mà ông ấy nói đã đọc rất kỹ. Ông ấy đã hài lòng khi có được một người như tôi làm đại sứ, người đã có một danh nghiệp trong quần chúng Mỹ.

          Tôi đã nói rằng thật là một vinh hạnh đặc biệt cho tôi khi được Tổng Thống trao cho chức vụ Đại Sứ tại Việt Nam và đã nghĩ rằng tôi sẽ hữu ích trong chức vụ đó. Tôi tự nhận chỉ biết một ít về Việt Nam, nhưng nghĩ mình biết vài điều về Hoa Kỳ, và cũng biết vài điếu về Liên Hiệp Quốc, và hy vọng rằng tôi có thể cố vấn cho ông ấy về những chuyện liên quan đến Hoa Kỳ và rằng ông ấy nên nghe ý kiến của tôi, dù ông ấy có chấp nhận nó hay không.

          Tôi đã nói rằng Chính Phủ Hoa Kỳ, như danh nghĩa đã được dùng trong ngành ngoại giao, không bao gồm Quốc Hội, nói chung là không ai có thể dẫn dắt được Hoa Kỳ (theo ý mình) vì dư luận quần chúng là thiết yếu cho bất cứ chính sách dài hạn nào. Và nếu thiếu sự ủng hộ của dư luận quần chúng thì không thể có được sự ủng hộ của Quốc Hội. Và nếu thiếu sự ủng hộ của Quốc Hội thì không thể có ngân quỹ. Thật là điều đáng lưu ý đối với tôi khi có người tôi đã biết trong suốt cuộc đời chính trị của mình nghĩ rằng Bà Nhu là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam, cũng như tôi đã gặp rất nhiều người tại Massachusetts đã thấy hình bà ấy trên bìa các tạp chí, và đã đọc một số lời phát biểu của bà ấy vể việc “nướng sư” và tiêu huỷ Phật Giáo cho nên điều này đã khiến công luận bị sốc. Cái ý tưởng cho rằng chính quyền bách hại Phật Giáo cũng gây sốc trong dư luận quần chúng Mỹ vốn thiên về bao dung tôn giáo. Tất cả những điều này đã đe doạ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

          Diệm nói rằng ông ấy đã cố hết sức để Bà Nhu im tiếng, và rằng ông ấy đã nói chuyện với bà ta nhiều lần. Ông ấy nói dỡn rằng ông ấy đã từng đe dọa cưới vợ, nhưng bà ta nói rằng vì là đại biểu Quốc Hội nên bà ta có quyền phát biểu.

          Tôi đã nói với ông ấy rằng, một cử chỉ ngoạn mục như thả các phật tử bị bắt sẽ có hiệu quả tốt trong dư luận Mỹ.

          Ông ấy nói rằng ông đã thả phần lớn, và để chứng minh rằng Phật Giáo chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong dân chúng, ông ấy đã cho tôi một cuốn sách, nhan đề là “Phật Giáo tại Việt Nam”, do Chùa Xá Lợi ở Sàigòn xuất bản, trong đó nói rằng “thuộc thẩm quyền và điều hành của Tổng Hội Phật Giáo gồm có những nhóm, một mặt gồm ba tăng đoàn với trên 3000 sư và 600 ni cô, về mặt khác, có ba cộng đồng gồm các đệ tử, phân thành nhiều chi nhánh tới tận các thôn xóm xa xôi. Con số Phật tử thuộc về các cộng đồng chính thức này tới khoảng một triệu người, thêm vào đó con số Phật tử không chính thức thuộc về cộng đồng nào có thể đông gấp ba.

          Ông ấy đã dùng hai giờ kế tiếp để nói về gia đình mình và về Việt Nam là đất nước chưa mở mang. Thiếu thốn trầm trọng những người có học, sự khó khăn trong việc có thể tìm được người đủ khả năng để viết một lời tuyên bố giản dị cho ông ấy, khiến ông phải tự mình viết phần lớn những văn bản công bố, và sự kém cỏi của những người giữ các chức vụ tại các viện đại học đã lạm dụng sự tín nhiệm của mình bằng cách biến các cơ sở giáo dục thành các trung tâm sôi động.

          Rồi ông ấy nói về cách mà một nhánh nhỏ Phật Giáo đã về tay những người xách động và chất nổ plastic đã được phân phối như thế nào và chỉ cần một bánh cũng đủ để phá sập cả một căn nhà. Ông ấy nói rằng bọn tội phạm đã được dùng để xách động dân chúng tại chợ búa, và rằng nhiều khi cảnh sát không có lựa chọn nào khác hơn là phải nổ súng để tự vệ. Ông ấy nói rằng đã có một kế hoạch được dàn dựng kỹ để tạo bất ổn ở các vùng xa khiến sẽ phải chuyển quân ra khỏi thành thị, để thủ đô không còn ai bảo vệ. Chính trong hoàn cảnh này khiến ông đã phải công bố tình trạng thiết quân luật. Để trả lời câu hỏi của tôi, ông ấy đã nói không biết lệnh thiết quân luật sẽ kéo dài bao lâu.

          Vào cuối cuộc gặp mặt này, ông nói ông ấy hy vọng là sẽ có kỷ luật, đặc biệt là các hoạt động của Hoa Kỳ tại Sàigòn, và rằng sẽ chấm dứt việc có những báo cáo về nhiều hoạt động can thiệp vào nội vụ Việt Nam của các cơ quan Hoa Kỳ.

          Tôi nói rằng tôi mới tới đây, nên đương nhiên không biết tất cả mọi việc đang diễn ra, nhưng tôi sẽ để mắt tới.

          Lodge choáng váng trước thái độ Diệm

          Nội dung điện văn 340 trên đây chỉ kể lại những sự việc đã diễn ra trong cuộc gặp đầu tiên giữa Đại Sứ Lodge và Tổng Thống Diệm. Nó không cho biết đằng sau cái hình thức ngoại giao ấy, thái độ thực sự của mỗi bên như thế nào. Phía Mỹ đã làm gì, và Ông Diệm đã phản ứng ra sao.

          Lịch sử không bao giờ được biết Ông Diệm đã nghĩ gì khi gặp Ông Lodge lần đầu. Mười sáu năm sau, qua cuộc phỏng vấn ngày 1 tháng 1, 1979, công bố năm 1983, thuộc bản quyền của WGBH/UMass Boston từ 2011, Đại Sứ Henry Cabot Lodge đã cho biết thêm về vai trò của ông trong việc đương đầu với Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Sàigòn. Người đặt câu hỏi là sử gia Stanley Karnow. Cuộc phỏng vấn này khá dài, gồm tới 5 phần. Sau đây là trích dịch những câu hỏi và câu trả lời tiêu biểu, liên quan đến hành động và suy tư của Đại Sứ Lodge, cũng như vai trò của ông trước cuộc đảo chánh.

          Được hỏi về diễn tiến và cảm tưởng cuộc gặp trình uỷ nhiệm thư ngày 26 tháng 8, Ông Lodge đã trả lời :

          Cuộc gặp đã diễn ra tại Dinh Gia Long. Tôi đã nêu ra câu hỏi mà Tổng Thống Kennedy muốn tôi nêu ra, là cho Ông Nhu ra khỏi nước và chọn những người khác để làm cho chính quyền khá hơn và mạnh mẽ hơn. Nhưng ông [Diệm] đã tuyệt đối từ chối thảo luận về bất cứ điều gì tôi đã được chỉ thị nêu ra. Và nói một cách thành thật, nó đã khiến tôi bị choáng váng một chút. Tôi nghĩ rằng khi một đại sứ tới gặp một quốc trưởng vì đã được lệnh từ Tổng Thống [của mình] để nêu ra những sự việc nào đó thì vị quốc trưởng ít nhất cũng phải thảo luận về những điều đó. Nhưng ông ấy đã không hề đả động tới điều nào hết, và ông ấy đã nhìn lên trần nhà, và bắt đầu nói về những điều hoàn toàn chẳng ăn nhằm gì, và tôi thực sự đã chẳng làm được gì.

          Trong khi ấy, ông ta là một người rất chững chạc. Có thể nói là một người bảnh bao, rất lịch sự, đứng đắn . . . Tôi nghĩ thật quá tệ khi ông ấy đã không trả lời những câu hỏi của tôi được mang tới từ Tổng thống Kennedy. Tôi nghĩ đó là quá tệ. Nhưng cùng lúc, tôi cũng có cảm tưởng rằng ông ta là một người rất can đảm và rất quyết tâm, và nếu cần ông ta sẽ hy sinh tính mạng trong việc chiến đấu cho đất nước mình, dĩ nhiên đó cũng là điều ông đã làm.

          Được hỏi ông đã có cố gắng làm cho ông Diệm cảm thấy cần thiết phải loại bỏ ông Nhu và chính phủ của ông ta ?

          Ông Lodge trả lời :  Ồ, có chứ. Ông ấy đã không thích chuyện đó tí nào. Bạn có thể nhìn thấy cả một đám mây che ngang mặt ông ta khi tôi đề nghị điều đó.

          Được hỏi về cảm tưởng đối với cách điều hành việc nước của ông Diệm, Ông Lodge trả lời :  Ông ấy không phải là người có khả năng điều hành. Ông ấy là người thuộc loại cả đời cô đơn, nhưng ông ta rất nhiều can đảm. Ông ấy gặp một số vấn đề, ông ấy ra lệnh, chỉ có vậy thôi. Nhưng tôi không nghĩ ông ấy quán triệt mọi vấn đề của đất nước.

          Trái :  Bìa báo Time ngày 22 tháng 4 năm 1955 :  “Diệm của Nam Việt Nam – Đêm đã muộn, đường còn dài (The hour is late, the odds are long)(cover credit :  Earnest Hamlin Baker)

          Phải :  Bìa báo time ngày 4 tháng 8, 1961 – “Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam” với tựa trên nền trắng :  “Đông Nam Á – Biên giới ít an ninh, thì giặc càng lẩn khuất” (“Where the Borders are less Guarded, the Enemy Harder to Find”) (*.- không kiếm được tên họa sĩ vẽ hình bìa)

          Mong Nguyễn Đình Thuần làm thủ tướng

          Tổng thống Kennedy tiếp ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Đặc nhiệm Phối hợp An ninh của Việt Nam Cộng Hòa, tại Nhà Trắng ngày 25 tháng 9 năm 1962

          Được hỏi :  Kiểu chính quyền của ông ta là rất cá nhân, ông ấy không tin cậy bất cứ ai, phải không ?

          Ông Lodge trả lời :  Đúng đấy, ông ấy chẳng tin ai. Chúng tôi đã hy vọng rằng, sau khi Bà Nhu ra khỏi nước; điều mà chúng tôi hy vọng và nó đã xảy ra; và sau khi Ông Nhu chỉ giới hạn công việc vào Ấp Chiến Lược, thì Ông Thuần (Nguyễn Đình Thuần – Bộ Trưởng tại Phủ Tổng Thống) sẽ trở thành Thủ Tướng. Ông này có đầy những nét đáng tin cậy. Bạn chỉ cần nhìn mặt ông ta cũng đủ biết ông ta là một người tuyệt đối đáng tin. Và điều này rất có lợi cho Diệm, vì ông này không phải là loại người thích âm mưu hoặc muốn chiếm đoạt uy quyền. Nhưng đã chẳng có chuyện gì xảy ra.

          Được hỏi có bao giờ gặp Ông Ngô Đình Nhu, và cho biết cảm tưởng về ông này, Ông Lodge cho biết :  Ông ta là một người thông minh với hàm răng trắng rất đẹp, và ông ấy đã nói về việc ông ta có thể từ chức để tận hiến thời giờ cho Chương Trình Ấp Chiến Lược ;  “điều mà tôi không tin tưởng lắm”; Vì nếu ông ta vẫn giữ thế lực trong việc điều hành Ấp Chiến Lược, thì ông ta vẫn là một mối đe dọa như trước, nên tôi không thấy là ông ta có sự chân chất và đáng tin cậy như tôi đã thấy ở ông Thuần.

          Được yêu cầu mô tả về các cuộc gặp giữa Đại Sứ Lodge và Tổng Thống Diệm, Ông Lodge cho biết :

          Tại phòng tiếp khách dành cho các đại biểu nước ngoài, ông ấy có một ghế bành lớn với cái bàn và bình trà trên đó. Tôi cũng có một ghế bành lớn, và sự khác biệt trên hai cái bàn là điều quan trọng, vì thứ trà ở trước mặt tôi chứa một chất lợi tiểu, nó tạo ra sự thôi thúc phải làm một chuyện mà không ai có thể làm thay mình được. Và tôi cho rằng thứ trà của ông ta khác với trà của tôi. Rồi ông ta ngồi đó, hút thuốc lá liên tục, hết điếu này tới điếu khác, và tôi ngồi đó với sự thôi thúc tăng lên trong người, và nó mạnh tới độ cuối cùng tôi phải ra về. Tôi đã không bao giờ uống một ly nào tại dinh thự đó nữa.

          Lodge và Thich Trí Quang

          Hòa thượng Thích Trí Quang trên bìa báo Time ngày 22 tháng 4, 1966, với tựa trên nền trắng ở góc trái :  “Nam Việt Nam – Tham vọng Quyền lực của Phật Giáo (South Vietnam – The Buddhist Bid for Power)” (cover credit :  Boris Chaliapin)

          Câu hỏi là :  Ông có nhớ nhà lãnh đạo Phật Giáo Thích Trí Quang khi ông ấy tị nạn ở Sứ Quán Mỹ không, và ông có tìm hiểu ông ta vào thời gian đó không ?

          Ông Lodge trả lời :  “Có, tôi nhớ chứ. Chúng tôi đã trở thành bạn, và ông ấy đã gửi cho tôi một tượng Phật với một lá thư bằng Việt ngữ kèm bản dịch tiếng Anh, nói rằng :  “Tôi kính tặng ông pho tượng Phật nhỏ này theo biểu tượng cổ truyền, tượng trưng cho tinh thần an nhiên đi cùng với việc làm hữu ích cho tha nhân. Qua những việc làm của ông ở đây tại Việt Nam, ông là người xứng đáng nhất cho sự an nhiên đó. Không chỉ mình tôi mà còn thay mặt cho hàng chục triệu đồng bào đã được hưởng lợi ích qua những việc làm của ông trong thời gian ông ở đây, tôi xin cảm ơn ông và kính chúc ông cùng phu nhân nhiều hạnh phúc”.

          Trước câu hỏi :  Thích Trí Quang là người như thế nào, và cảm tưởng của ông ra sao về ông ta ?  Ông Lodge trả lời :  “Ông ấy là một người sắc bén, khôn ngoan, cương quyết, một người mạnh mẽ, và ông ấy ghét điều Diệm làm. Ông ta có bản tính rất đa nghi.

          Thích Trí Quang đã viết thư và tặng tượng Phật cho tôi, nhưng đã thay đổi thái độ với tôi khi tôi trở lại làm đại sứ lần thứ nhì. Theo lời một Phật tử người Hoa đã nói chuyện với tôi, thì họ nghĩ nếu hai người đàn ông đã cộng tác với nhau trong một quá trình cực kỳ khó khăn và nguy hiểm kiểu như Thích Trí Quang và tôi đã từng trải qua, thì một trong hai người có thể đòi hỏi người kia làm cho mình bất cứ điều gì mình muốn, và sẽ được toại nguyện. Và khi [Thích Trí Quang] muốn tôi phải loại bỏ, tôi không biết đó có phải là Tướng Khánh hay ai khác, thì tôi nói tôi không thể lật đổ Tướng Khánh, tôi không có quyền và không được chỉ thị. Từ đấy ông ấy rất ghét tôi, và cho đến khi tôi rời Việt Nam, tôi chẳng bao giờ thấy ông ta nữa”.

          Như trẻ nít thi gan

          Mặc dầu được lệnh tới ngay Sàigòn, và gặp Ông Diệm càng sớm càng tốt, trên thực tế, Ông Lodge đã gặp các tướng mưu phản, trước khi gặp Ông Diệm. Lodge cho biết ông đã gặp Tướng Trần Văn Đôn không lâu sau khi tới Sàigòn, gặp ngay tại phi trường. Ông Đôn đã nói rằng ông ấy không tin tưởng người Mỹ về mặt bảo tồn bí mật, vì người Mỹ có thói nói nhiều, sơ hở, dễ lộ bí mật. Và không thể nêu ra vấn đề thay đổi chính phủ, trừ khi người Mỹ nghĩ ra cách bảo tồn bí mật.

          Có lẽ từ cuộc gặp trên đây, hôm sau ngày Ông Lodge tới Sàigòn, đã có hai tướng lãnh Việt Nam là các ông Lê Văn Kim và Trần Văn Đôn, tiếp xúc với hai đại diện CIA ở Sàigòn là Rufus Phillips và Lucien Conein, và các tướng này muốn biết liệu Hoa Kỳ có ủng hộ một cuộc đảo chánh chống Diệm và Nhu không.

          Ông Lodge cho biết, một trong những việc ông làm rất sớm sau khi đặt chân tới Sàigòn là ra lệnh ngừng thi hành một loại viện trợ kinh tế. Theo ông, điều này không nhằm mục đích loại bỏ Diệm, hay bật đèn xanh cho các tướng như người ta nói. Làm điều này chỉ cốt gây áp lực khiến Diệm phải cho em ông ta đi khỏi. Vì Tổng Thống Kennedy muốn đưa Nhu ra khỏi nước”.

          Được yêu cầu giải thích rõ về khoản viện trợ kinh tế 18 triệu đô la này đã bị ra lệnh ngừng thi hành, ông Lodge cho biết: “Chúng ta có một chương trình viện trợ bằng cách gửi tới Việt Nam mọi thứ nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống, như sữa, đủ loại thực phẩm đóng hộp, và các sản phẩm nông nghiệp, có tính cách đa dụng. Đó là một chương trình rất phổ thông, và có vai trò quan trọng trong nước. Và khi khởi sự nghĩ về khoản này, tôi cảm thấy run sợ với ý tưởng rằng điều gì sẽ xảy ra nếu chương trình này bị chấm dứt. Cho nên tôi đã không nghĩ đến việc chấm dứt chương trình này. Nó chỉ ngừng một số sản phẩm đủ cho họ (chính quyền Diệm) phải lo ngại”.

          Được hỏi mục đích của việc ngừng (viện trợ) các khoản này là gì, Ông Lodge trả lời :  “Mục đích là để Diệm cho Nhu ra đi. Khi mới khởi sự cắt giảm khoản nhập cảng này, đã có một viên chức rất thấp từ Bộ Canh Nông Việt Nam tới xin gặp nhưng tôi đã từ chối. Ông ấy tới người phụ tá của tôi, và người phụ tá này nói với viên chức này rằng, theo lẽ thường, những việc như thế này cần phải có Thủ Tướng Diệm (Ông Lodge luôn gọi Ông Diệm là Thủ Tướng—Prime Minister) nói chuyện với [Đại sứ Mỹ]”.

          “Thế đấy, họ đã chẳng ưa chuyện này tí nào, và cuối cùng thì mãi đến đêm chót của cuộc đời ông ta, khi chúng tôi tại Đà Lạt, cùng ngồi trước lò sưởi, đó là lúc ông ta (Diệm) mới nói :  “ồ, nhân tiện, [tôi muốn cho ông biết] tôi đã thay đổi ý kiến về chương trình viện trợ thương mại, nên chúng ta sẽ thảo luận về việc đó”.

          Ông Lodge coi như mình đã thắng cuộc, và kết luận về vụ dùng nhu yếu phẩm viện trợ để thử sức giữa ông và ông Diệm, như sau :

          Việc này . . . và tôi đã viết . . . tôi còn giữ nó cho đến hôm nay. Tôi đã viết một văn thư cho phổ biến trên báo chí cho biết tại sao tôi đã cho tái lập nhập cảng thương mại. Và chúng tôi như hai thằng bé chơi trò thi gan* và ông ta là người đã chịu thua trước.

          (*.- Trò chơi nguy hiểm giữa hai đứa trẻ, lái xe đạp đâm thẳng vào nhau, đứa nào né tránh là nhát gan, thua cuộc. Khi Lodge cho tái lập khoản viện trợ này, Diệm đã chết rồi. [Chú thích của Đinh Từ Thức])

          Sáng 1 tháng 11, 1963

          Sáng 1 tháng 11, Đại Sứ Lodge đi cùng Đô Đốc Harry Felt, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) từ Hawaii tới gặp Tổng Thống Diệm tại Dinh Gia Long. Ông Felt tới thăm xã giao, nhân có chuyến công tác qua Sàigòn. Ông Lodge tới chào Ông Diệm trước khi lên đường về Washington theo lịch trình tham khảo ý kiến thường xuyên.

          Ông Lodge kể, Ông Diệm nói với khách rằng :  “Lần nào Đại Sứ Mỹ rời Sàigòn cũng có âm mưu đảo chánh. Và ông ấy nói bây giờ có một cuộc đang được tổ chức. Và ông ấy nói những kẻ âm mưu đảo chánh bây giờ khôn hơn trước nhiều, bởi thay vì chỉ có một kế hoạch tổ chức tại một địa điểm, họ có nhiều kế hoạch khác nhau được tổ chức bởi những người khác nhau tại nhiều nơi khác nhau. Và tôi không biết cái nào là thật. Đó là những gì tôi có thể nói. Nhưng tôi không biết cái nào là thật”.

          Được hỏi :  Thế lúc ấy, ông có biết là cuộc đảo chánh sắp diễn ra ?  Ông Lodge trả lời :  “Ồ, tôi đã nghi về điều đó. Tôi có nhiều tin tức lắm”.

          Hỏi : Nhưng các tướng có cho ông biết họ sẽ khởi sự ?

          Lodge :  Họ sẽ khởi sự . . . họ không cho chúng tôi biết khi nào. Nhưng Trần Văn Đôn cho tôi biết là chắc chắn sẽ xảy ra và rồi tôi còn những nguồn tin khác . . . tôi không còn nhớ đã có từ đâu . . . và Washington cũng có nhiều tin. Rồi chúng tôi có Conein tại phòng điện thoại tại Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam, anh ta báo cho chúng tôi từng lời về những gì có thể thấy tại phòng điện thoại.

          Hỏi :  Nhưng vào buổi sáng ông và Đô Đốc Felt tới gặp Ông Diệm . . . Ông có biết là sắp diễn ra cuộc đảo chánh chống lại ông ta ?

          Lodge :  Tôi đã biết là cuộc đảo chánh sắp diễn ra, nhưng tôi không biết khi nào.

          Hỏi :  Xin hỏi ông câu này. Khi chúng ta thừa nhận một chính quyền và chúng ta biết rằng một cuộc đảo chánh sắp diễn ra chống lại chính quyền đó, chúng ta có buộc phải báo cho chính quyền đó rằng chúng ta biết một âm mưu lật đổ nó không.

          Lodge :  Không. Tôi không nghĩ vậy. Đó là điều thường hay được bàn cãi, nhưng tôi không nghĩ vậy.

          Hỏi :  Như vậy ông nghĩ về chuyện này như thế nào ?

          Lodge :  [Diệm] đã biết . . . bạn có thể nhìn thấy qua những gì tôi đã nói với bạn, ông ấy đã biết là một cuộc đảo chánh đang được chuẩn bị và ông ấy đã . . .  Tôi cá là ông ấy đã có đủ các nguồn mà ông ấy có thể có để biết nó đến từ đâu và làm cách nào để dẹp nó.

          Hỏi :  Ngoài mặt ông ta ra sao đối với chuyện này. Ông ta có vẻ bình tĩnh hay giao động ?  Ông mô tả như thế nào ?

          Lodge :  Vẫn như thường. Trầm tĩnh. Vẫn như thường. Ông ta có phong thái rất vững vàng.

          Hỏi :  Ông đã làm gì sau đó, sau cuộc gặp ?  Ông đã trải qua hôm đó như thế nào, biết rằng . . .

          Lodge :  Thì, lúc đó vào khoảng buổi trưa, bạn biết đó. Đô Đốc Felt ra đi, chỉ còn mình tôi với Thủ Tướng Diệm rồi tôi về nhà vì tôi có môt hệ thống thông tin ở nhà tôi tốt hơn là ở văn phòng sứ quán.

          Và tôi về nhà, có vợ tôi cùng vợ chồng Mike Dunn và hai con trai vừa tới. Tất cả chúng tôi ngồi xuống ăn trưa. Và chỉ sau một giờ, chúng tôi nghe tiếng súng đầu tiên. Và rồi chúng tôi lên mái nhà và có thể nhìn thấy máy bay thả bom, và có thể nhìn thấy binh sĩ kéo tới trên đường phố và chuyện đã thực sự diễn ra.

          Hỏi :  Ông có nhớ cảm tưởng của mình thế nào khi thấy mọi chuyện đó ?

          Lodge :  Về tất cả cảm tưởng của tôi . . . thì, tôi là kẻ đã sống với nó trong nhiều . . . nhiều tuần nên tôi không  . . . tôi không thể nói là tôi đã ngạc nhiên nhưng dĩ nhiên bạn luôn . . . nó luôn là chuyện khó tả khi mình thấy thiên hạ dùng vũ khí. Và bạn băn khoăn không hiểu chuyện sắp tới sẽ ra sao.

          Hỏi :  Có phải Diệm đã gọi ông tại nhà vào chiều hôm đó ?

          Lodge :  Đúng, vào khoảng bốn giờ chiều. Ông ta gọi tôi tại nhà và ông ấy nói họ đã khởi sự đảo chánh, và ông ta muốn biết về thái độ của chính quyền Mỹ. Để coi, tôi đáp, bây giờ là bốn giờ sáng ở Washington và tôi không biết thái độ (ở đấy) ra sao. Ồ, ông ấy nói, chắc ông phải biết. Không, tôi đáp, tôi không biết, nhưng tôi cũng nói, tôi rất lo ngại về an ninh cá nhân của ông và tôi đã có kế hoạch để ông có thể thành quốc trưởng trên danh nghĩa trong một chính quyền mới, hoặc ông có thể được bay ra khỏi nước tới một nơi an toàn, hoặc ngoài ra, tôi nói, tôi đề nghị ông tị nạn tại nhà tôi. Ông trả lời không. Ông nói tôi sẽ tái lập trật tự ở đây. Je vais ramener loi (Tôi sẽ tái lập trật tự–tiếng Pháp), hay đại khái như thế.

          Hỏi :  Khi ông nói với Ông Diệm rằng, bây giờ quá sớm để gọi Washington, theo giờ Washington, có nghĩa là ông đang trung thành với chính sách [của Hoa kỳ] là không cản trở đảo chánh.

          Lodge :  Ừ, thì tôi nghĩ vậy. Tôi nghĩ là vậy. Đó là điều tôi muốn.

          Hỏi :  Nhưng Washington . . . vì ông đã biết cuộc đảo chánh đang diễn ra, ông đã có kế hoạch dự phòng nào để cứu Diệm, như ông có cho sửa soạn một máy bay không ?

          Lodge :  Chúng tôi đã [có kế hoạch]. Chúng tôi đã có một . . . đó là chiếc máy bay đã chở đám con Nhu ra đi.

          Hỏi :  Thế thì, đã có cố gắng nào đưa Diệm ra phi trường sau cú điện thoại đó không ?

          Lodge :  Không. Không có theo chỗ tôi biết. Nhân viên sứ quán Frederick Flott đón các con của Nhu từ Đà Lạt và hộ tống chúng trên một chuyến bay đặc biệt của chính quyền Hoa Kỳ, đó là những gì chúng tôi đã lo liệu. Từ Sàigòn tới Bangkok, rồi chúng đi máy bay thương mại tới Rome.

          Hỏi :  Khi nào thì ông biết Diệm với Nhu đã bị giết ?

          Lodge :  Ồ, tôi đã biết rất sớm. Tôi đã biết rất sớm. Nghĩa là, chỉ trong vòng mấy phút sau khi ông ấy bị giết, tôi đã được tin.

* * * * * * *

          Theo sử gia Arthur M. Schlesinger, Jr. tác giả cuốn Robert Kennedy and His Times, xuất bản vào năm 1978, thì theo tiết lộ của Robert Kennedy vào năm 1965, chính Henry Cabot Lodge là người đã đẩy mạnh chủ trương đảo chánh để loại Ông Diệm, và Tổng Thống Kennedy đã gọi Ông Lodge về Mỹ để tìm cách thay thế ông ta vào tháng 11 năm 1963. Trong cuốn Robert Kennedy: In His Own Words, xuất bản năm 1988, cũng ghi lời của Robert Kennedy :  “Chúng tôi đã cố gắng để loại bỏ Henry Cabot Lodge. Đáng lẽ ông ta đã về–nếu cuộc đảo chánh không diễn ra, ông ta đã về–và chúng tôi đã tìm cách để sa thải, làm thế nào để loại ông ta.

          Sau đảo chánh ở Sàigòn, Ông Lodge đã về và trên đường về, được tin Thống Kennedy bị ám sát.

* * * * * * *

          Người viết chỉ ghi lại những sự kiện lịch sử, được phát biểu bởi chính những người có vai trò quan trọng liên hệ tới cuộc đảo chánh tại Sàigòn 60 năm trước, mà không có bình luận. Xin để bạn đọc tự tìm ra nhận định riêng của mình.

          Đinh Từ Thức

 

 

 

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Hội thảo về chiến tranh Việt Nam tại Đại học Columbia New York
Chính Con Người Đẻ Ra Thượng Đế ! ! !
Trả Lời Bạn Đọc CỌP ĐEN - Tại Sao Giêsu Bị Giết ?
Thông Tin Về Nữ Nhà Báo Nga Dũng Cảm . . . .
Một trăm năm tạp chí phổ biến khoa học đầu tiên của Việt Nam
“thời thế thế thời”
Cảnh sát gốc Việt lao xuống ao băng cứu người, nhận huân chương Carnegie
Thực và Ảo
Tuyên bố chung về Đối thoại Bộ trưởng 2+2 thường niên Ấn Độ-Mỹ lần thứ 5
Lực Lượng Tấn Công Của Hàng Không Mẫu Hạm Thả Neo ; Coi Thường Chế Độ Biden !
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3149022
Có -594 Khách Đang Online